Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Đẩy lùi hủ tục lạc hậu

Đăng lúc: 08:40:06 24/09/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, trong đời sống văn hoá của người dân tại các khu vực miền núi như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, và ngay trong một số địa phương ở vùng đồng bằng, dẫu đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, nhưng vẫn còn có hiện tượng tái bùng phát những hủ tục hình thành trong những thời kỳ lịch sử còn sơ khai xa xưa vốn ăn sâu trong đời sống và niềm tin của nhiều cộng đồng dân tộc.

Một số dân tộc ít người hiện vẫn còn duy trì dai dẳng nhiều luật tục lạc hậu như cách phân xử đúng-sai bằng lặn nước, đổ chì nóng vào lòng bàn tay... Hoặc vẫn còn tin gần như tuyệt đối vào những lực lượng siêu hình như đấng thần linh và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của người dân, kết quả phân xử thắng-bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố rủi-may mà đồng bào cho rằng đó chính là ý chí của các đấng siêu hình.

Thậm chí có không ít hủ tục đang tồn tại khiến người nghe không khỏi... rùng mình: Ví dụ những hủ tục nặng nề như tục phạt vạ, tục phân chia cái chết thành chết lành và chết dữ. Trong trường hợp “chết dữ” (tai nạn, phụ nữ chết khi sinh con...), gia đình chẳng những mất người thân mà còn trở thành nạn nhân của sự trừng phạt được quy định từ ngàn đời bởi luật tục.

Trong một số nghi lễ sinh hoạt, một số dân tộc vẫn duy trì nhiều hủ tục và việc thực hành được cả cộng đồng giám sát. Ví như, trong nghi lễ tang ma, có những cộng đồng biểu hiện tình cảm thái quá như tự rạch đùi, rạch ngực; người phụ nữ có chồng chết phải... kiêng tắm gội cả tháng trời. Một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn có tục để người chết lâu ngày trong nhà; giết mổ nhiều bò, lợn, tổ chức ăn uống dài ngày gây tốn kém; hay việc đặt niềm tin thái quá vào cúng bái, bói toán... Có nơi vẫn diễn ra phổ biến tình trạng hôn nhân cận huyết... Tại một số vùng miền núi vì hủ tục “cầm đồ thuốc độc” mà nhiều người bị đánh đập dã man cho đến chết. 

Sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu đang tiếp tục đặt ra bài toán nan giải, bởi vì hủ tục không chỉ là thói quen bình thường, nó được duy trì qua nhiều thế hệ, không ít trường hợp đưa tới hậu quả khó lường. Các hủ tục ra đời khi trình độ phát triển tộc người còn rất hoang sơ. Mọi thế lực bên ngoài đối với họ đều thần bí mà năng lực nhận thức lúc bấy giờ còn hạn chế chưa giúp họ tìm ra cách lí giải để có thể xử lí mọi tình huống xảy ra. Có thể nói, trong nhận thức của họ có một khoảng tối. Cuộc sống ngày càng văn minh thì khoảng tối ấy về cơ bản bị đẩy lùi, nhiều hủ tục bị loại bỏ và thay bằng những thuần phong mỹ tục. Ví dụ tục hiến tế trong các nghi lễ cầu mùa cầu đảo. Lúc mới hình thành tập tục này một số tộc người nguyên thuỷ còn bắt tù nhân từ tộc người khác nhốt lại để đến ngày làm vật hiến tế. Người ta còn gọi đó là tục săn đầu người. Khi con người nhận thức được việc đó của mình là phi nhân tính, con người lấy những con thú mà mình săn bắt hoặc thuần dưỡng được làm vật hiến tế thay cho việc dùng con người.

Chúng ta không thể quên rằng các loài động vật trong nhiều ngàn năm từng là “kẻ thù bốn chân” của nhân loại. Khi dùng động vật làm vật hiến tế, những động vật này đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa: Chúng vừa thể hiện như là chiến lợi phẩm từ cuộc chống trả với tự nhiên hoang dã, vừa tượng trưng cho vật tổ (tô tem) (nhiều tộc người có tô tem là động vật), chúng - vật tổ (tô tem) này, vừa là vật trung gian thiêng nối trời và đất, cõi âm và cõi dương, trong việc thể hiện khát vọng của con người cầu cho mưa thuận, gió hoà, quốc thái, dân an, mùa vụ bội thu, ấm no, hạnh phúc.

Những động vật được dùng trong nghi lễ hiến sinh này luôn được đối xử đặc biệt không như những động vật được nuôi để mổ thịt (ngày nay trong các lò giết mổ hàng loạt tính đến cả hàng triệu con). Thử hỏi có nhà bảo vệ động vật nào ngăn chặn sự giết mổ tàn bạo này không. Đó là ứng xử tượng trưng có tính thiêng, cao cả và tôn trọng với loài vật. Tuy nhiên, tuỳ theo trình độ phát triển và nhu cầu văn hoá của các tộc người khác nhau, một số tộc đã dùng hàng mã thay thế cho động vật sống. Đó là xu hướng mỹ tục thay dần cho hủ tục, kết quả của quá trình tự nhận thức của tộc người, của cả cộng đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa của những hủ tục, được xem xét từ lịch sử văn hóa xa xôi trong quá trình phát triển tộc người, mới có được cách giải quyết hợp lý.

Trong đó, giải pháp hàng đầu là nâng cao trình độ nhận thức cho nhân dân bằng những hoạt động tuyên truyền sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức, lắng nghe tình cảm, nguyện vọng của dân; chính quyền địa phương cần chú trọng duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp; đồng thời tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo trong việc vận động bài trừ hủ tục. Đội ngũ này là những người trực tiếp tham gia tổ chức các nghi lễ; cũng là những người khuyên giải hiệu quả việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội trong cộng đồng. Cần mở những lớp tập huấn không chỉ tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp mà còn tuyên truyền về sự cần thiết loại bỏ hủ tục.

Bài trừ các tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, tuy nhiên, rất cần được đổi mới. Theo đó, mô hình tại chỗ là tốt nhất, tránh việc lấy mô hình từ các địa bàn khác, dân tộc khác đem tới áp dụng cho vùng này, dân tộc này học tập. Một gia đình, một bản làng làm tốt cũng có thể trở thành mô hình xứng đáng để nhiều gia đình, nhiều bản, làng noi theo. Làm được như vậy, tức là chúng ta đã giúp người dân đẩy lùi một khoảng tối trong kí ức từ xa xưa của họ.

PGS. TS. Nguyễn Tri Nguyên

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam