Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kỳ 10

Đăng lúc: 10:00:00 29/08/2019 (GMT+7)

 Bac-Ho-voi-Doan-van-cong-91e41.jpg
 
27. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Cam-pu-chia
 
Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Cam-pu-chia chúng tôi đánh giá rất cao tấm gương đạo đức, lối sống trong sạch, tinh thần rèn luyện và cương quyết đấu tranh chống đế quốc, thực dân vì độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người con lỗi lạc, vị lãnh tụ sáng suốt của nhân dân Việt Nam anh em. Tấm gương anh hùng cao cả của Người – vị lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia đã được ghi vào lịch sử và trái tim của mọi người dân Cam-pu-chia. Chúng tôi quyết tâm giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị truyền thống anh em Cam-pu-chia – Việt Nam được trường tồn mãi(1) – HIÊNG XOM-RIN.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lao vô cùng to lớn, bởi Người đã hy sinh tất cả, kể cả những gì thuộc về tình riêng để tìm đường cứu nước, sát cánh cùng nhân dân đấu tranh, lãnh đạo phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc và nhân dân Việt Nam khỏi ách thống trị của mọi thế lực thực dân. Thắng lợi trong cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam anh em, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có ảnh hưởng lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho sự vùng lên của nhân dân Cam-pu-chia và Lào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam mà còn sống mãi trong trái tim các tầng lớp nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chiến sỹ cách mạng kiên cường của nhân dân Việt Nam mà còn là người chiến sỹ cách mạng tiền bối của nhân dân Cam-pu-chia và Lào. Bởi lẽ Người là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Những đội tiên phong cách mạng đó đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc mình đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ chế độ cai trị thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bành trướng bá quyền.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản bất diệt về truyền thống đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương với những bài học kinh nghiệm vô giá cho cách mạng Cam-pu-chia, cách mạng Lào cũng như cách mạng của nhân dân những nước đang phát triển khác.
 
Tinh hoa văn hóa và đạo đức của Người là tấm gương tuyệt đối tự giác phục vụ nhân dân, suốt đời đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người viết trong Di chúc là: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là, tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
 
Trong đời sống thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương tuyệt sáng. Đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chỉ nghĩ đến lợi chung, không tính toán cá nhân bao giờ.
 
Phẩm chất tuyệt vời trên đây cho thấy cuộc sống trong sáng nhất mực của một con người vĩ đại đã là tấm gương cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Việt Nam cũng như mọi tầng lớp nhân dân cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Cam-pu-chia chúng tôi.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xa chúng ta, nhưng những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hòa bình, công lý và những người tiến bộ trên Trái đất. Tấm gương anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện đó đã được truyền lại cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay nhằm tiếp tục thực hiện Di chúc của Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chỉ sáu năm sau khi Người qua đời nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người rèn luyện và giáo dục đã thực hiện ước mong lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng miền Nam khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giành độc lập và tự do cho Tổ quốc Việt Nam và thống nhất đất nước mình.
 
Mặc dù Người có công lao to lớn đối với đất nước, Người không thích cho ai nói về đời tư của mình. Người sống giản dị, không bao giờ xa rời nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn mình với nhân dân, quan tâm nghe theo ý kiến quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm không phải một mà tất cả các tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, chiến sỹ, trí thức, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, người già, người thiểu số và kiều dân Việt Nam ở nước ngoài… Trong Di chúc, Người đã để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho toàn dân, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể thanh thiếu niên. Đó cũng là tình cảm kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đến công tác xây dựng và vun đắp tình đoàn kết quốc tế. Trong quan điểm của Người, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý, nhân dân tiến bộ thế giới là anh em của nhau. Nhân dân Cam-pu-chia đã nhận được sự giúp đỡ theo tinh thần của chính sách đoàn kết này từ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam, những chiến sỹ quân đội Việt Nam anh em, những người giúp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi ách các loại thực dân, đế quốc và sau cùng là khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xari.
 
Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn to lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, những người cách mạng Việt Nam, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em trong việc thực hiện chính sách đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi.
 
(NÂY PENA(2), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia – Ủy ban Quốc gia UNESCO: Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh –  Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.55-57)
 
28. Hồ Chí Minh, Người cộng sản, Người yêu nước và quốc tế chủ nghĩa
 
Đồng chí Hồ Chí Minh, trước hết là một người cộng sản, một nhà cách mạng đã làm thay đổi thế giới và đặc biệt đã làm thay đổi chính đất nước và dân tộc của Người.
 
Do những điều kiện của chính nhân dân Việt Nam và do nguyện vọng thiết tha muốn có những biến đổi cách mạng, muốn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp và muốn có một cuộc sống mới, tự do cho nhân dân, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia phong trào cách mạng và phong trào cộng sản từ hơn 50 năm qua.
 
Cuộc đời của Người là một thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng, đầy trí thông minh, tinh thần trong sáng, hoài bão lớn lao và quyết tâm sắt đá nhằm thực hiện bằng được những mục đích mà Người đã đề ra. Người là bạn chiến đấu của tất cả những lãnh tụ cộng sản vĩ đại trong thời đại của Người.
 
Người trước tiên tham gia Đảng Xã hội Pháp, rồi trở thành một người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người làm việc trong Quốc tế Cộng sản.
 
Trong suốt đời hoạt động chính trị lâu dài, với cương vị là một người Việt Nam yêu nước và một người cộng sản quốc tế, người luôn luôn kiên trì một tinh thần tận tụy hy sinh và chí công vô tư.
 
“Di chúc” cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ sự hòa hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, đã nêu bật sự cần thiết phải tiếp tục đưa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ thắng lợi hoàn toàn, đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong Đảng Lao động Việt Nam và đã tỏ nỗi đau buồn vì sự bất hòa trong phong trào cộng sản quốc tế.
 
Giáo huấn của Người đối với những người cộng sản Việt Nam và đối với tất cả những người cộng sản ở các nước khác… Là phải phấn đấu cho sự thống nhất, cho hòa bình, cho chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa xã hội.
 
Thông qua vô vàn thử thách, thông qua nghiên cứu và công tác thực tiễn, đồng chí Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường đi tới thắng lợi…
 
Cho đến ngày từ biệt cõi đời, Người không chút e ngại khi nói đến chủ nghĩa yêu nước. Có một vài người cho rằng những người xã hội chủ nghĩa mà lại nói về chủ nghĩa yêu nước thì thật là sai lầm, nhưng thực tế, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến việc giải phóng thế giới.
 
Vài học giả nêu câu hỏi: “Hồ Chí Minh là một người cộng sản hay chỉ là một người dân tộc chủ nghĩa?” Nhưng đối với những người cộng sản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế là hai mặt của một vấn đề, đó là cuộc đấu tranh để giành quyền lợi cho nhân dân ở chính nước đó và cả cho nhân dân toàn thế giới…
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ, cổ vũ và hưởng ứng của tất cả các tổ chức của phong trào công nhân quốc tế và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa… và Người đã thành công vì được tất cả các nước và các tổ chức ấy ủng hộ.
 
Không phải tất cả các nước đều có thể đóng được một vai trò cách mạng như Liên Xô và Trung Quốc đã làm, nhưng cuộc đấu tranh ở Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với thế giới, xứng đáng giữ vai trò đứng bên cạnh những nước nói trên.
 
Phong trào ở các nước khác đã có phần ủng hộ lớn lao cho nhân dân Việt Nam, nhưng nhân dân cách mạng Việt Nam còn đóng góp nhiều hơn vào phong trào của thế giới…
 
Hồ Chí Minh đã trở thành một khẩu hiệu cổ vũ cuộc đấu tranh chính trị ở chính ngay nước Mỹ, căn cứ chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc thế giới.
 
… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có phần to lớn vào việc làm cho người ta thấy rõ mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
 
Ngay từ những ngày đầu trong đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vai trò cách mạng của nông dân trong những điều kiện ở Châu Á và Người đã đề ra lý luận về cuộc chiến tranh lâu dài… Người đã áp dụng một cách sâu sắc thắng lợi của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào chính những điều kiện của đất nước Người.
 
Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh cũng là một trong những nhà lý luận vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế.
 
Dù là người cộng sản hay không phải người cộng sản, chúng ta, những người đã và đang tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đều phải học tập cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hồ Chí Minh, những học thuyết của Người và “Di chúc” cuối cùng của Người.
 
Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của Người là đấu tranh cho cách mạng và cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, thường lâu dài và phải được chuẩn bị bằng tất cả mọi con đường có thể có, để trước hết phục vụ cho lợi ích cách mạng và lợi ích của nhân dân lao động trong nước, đồng thời phù hợp với lợi ích chung của phong trào quốc tế.
 
Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người cuối cùng và vĩ đại nhất trong số những người sáng lập ra phong trào cộng sản quốc tế hiện nay. Chúng ta kính yêu Người và cũng như nhân dân Việt Nam, tất cả chúng ta đều đau buồn trước việc Người từ trần.
 
Thật là đau xót, đồng chí Hồ Chí Minh đã mất trước khi nhân dân Việt Nam không bao lâu nữa sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi đó sắp đến và thành tựu đó trong rất nhiều thế kỷ, sẽ mãi mãi gắn chặt với tên tuổi đồng chí Hồ Chí Minh, gắn chặt với dân tộc nhỏ bé của Người đã đoàn kết chiến đấu và tranh thủ được sự ủng hộ của toàn thế giới.
 
(L.A.ARông(3), trích bài đăng trên Báo Diễn đàn, số ra ngày 17 tháng 9 năm 1969).
 
29. Hồ Chí Minh và những chân lý không thể chối cãi
 
Ngày nay có ai trên thế giới còn nhớ đến dáng người thanh mảnh như trong huyền thoại, ăn mặc giản dị, đứng cao vời vợi ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945 và tuyên bố vào một giây phút huy hoàng.
 
“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”
 
“Có”, quần chúng đồng thanh trả lời.
 
Sau khi đưa ra những lời nói lừng danh thế giới trong Tuyên bố Độc lập của Mỹ năm 1776, Người đã chuyển sang trích dẫn Tuyên bố của Cách mạng Pháp năm 1789 về quyền công dân và con người.
 
Con người sinh ra phải được tự do và hưởng quyền bình đẳng. Đó là những chân lý không thể chối cãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quần chúng ủng hộ việc khẳng định các mục tiêu đó.
 
Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Sinh ra ở miền Trung nước Việt, Người rời Sài Gòn năm 1911, không phải để đi Nhật như những người bất đồng chính kiến thời ấy vẫn thường làm mà sang Pháp để học tập trên đất nước của tự do, bác ái và bình đẳng.
 
Nhưng cuộc hành trình khắp thế giới không ngừng gợi lên trong trí óc Người những trăn trở. Các hải cảng Châu Phi, Địa Trung Hải, các thành phố Hồng Kông, Xin-ga-po, Niu-oóc, Luân Đôn và Pa-ri, Người đã nhìn thấy tất cả những nơi ấy. Người nói thứ tiếng của họ. Người tiếp thu các câu chuyện của các chủng tộc khác nhau. Người thường lui tới các câu lạc bộ công nhân và học được tại chỗ những thử nghiệm của người dân thuộc địa tại các nước đó. Trong suốt thời gian ấy, Người đã nhận thấy các lập trường và thái độ khác biệt của người Châu Á và Châu Phi đối với các ông chủ da trắng.
 
Tại Pa-ri, khi được trao cho một bản cuốn sách của Lênin “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Người chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề của nước Việt Nam thuộc địa.
 
Người đã nghiên cứu cả lý luận cách mạng và cùng làm việc với các nhà cách mạng Trung Hoa tại Pa-ri. Năm 1923, Người dự Hội nghị Nông dân Quốc tế đầu tiên tại Mát-xơ-cơ-va và ở lại đó 3 năm. Năm 1938, Người sống tại Trung Quốc và năm 1941 về hẳn Việt Nam.
 
Sau ba mươi năm ở hải ngoại vị lãnh tụ cách mạng luôn mai danh ẩn tích, Người vốn là một người dân An Nam khốn khổ, đã thu được vô vàn kinh nghiệm và đã thông thuộc mọi chế độ thực dân, tư bản, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Giống như M. Gan-di, nhà trí thức khiêm nhường này tránh mọi phô trương lòe loẹt và sống một cuộc sống giản dị. Giống như Tôn Dật Tiên, bị coi là “một tội phạm” trong thời kỳ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đã trở lên khôn khéo hơn và triệt để hơn sau những năm tháng gian lao.
 
Thế nhưng, sau bức kiến nghị chân thành gửi đến các cường quốc tại Hội nghị hòa bình Véc-xây năm 1919, Người có thể thu hút sự chú ý của các đồng minh đang chiến đấu ở Châu Âu và Châu Á, đến tình cảnh đặc biệt của Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập.
 
Người là một học giả và một người ấp ủ những giấc mơ. Người đã học Hiến chương Đại Tây dương tháng 8 năm 1941, do Ru-dơ-ven và Sớc-sin công bố, hứa hẹn tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc. Người hiểu tất cả các dân tộc là bao gồm dân tộc mình. Những quan điểm chống thực dân của Ru-dơ-ven đã từng nổi tiếng và thái độ không nhất quán của ông ta đối với người Pháp ở Việt Nam đã được ghi chép trong hồ sơ Quốc hội Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ hứa trả lại tự do cho Phi-líp-pin. Điều đó không thể xảy ra ở Việt Nam ư? Cái chết của Ru-dơ-ven, những bận tâm sau chiến tranh của Châu Âu và cuối cùng, những biến đổi chính trị đang đe dọa Trung Quốc, đã làm giảm bớt cơ hội để Việt Nam được độc lập. Điều không thể tránh khỏi là sự chú ý của các đồng minh trước đây đã tập trung vào một thế giới khác, giờ đây mang màu đỏ hay màu trắng. Phong trào dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam được gắn cho cái nhãn hiệu “cộng sản”. Phải đập tan chứ không chỉ ngăn chặn mà thôi. Chính sách của Mỹ chuyển phắt từ cổ vũ sang nhập nhằng, sang hòa giải và cuối cùng sang can thiệp. Những hậu quả đã quá nhiều người biết đến và quá đau đớn cho nên không thể lặp lại một lần nữa. Đối với mọi bên – Việt Nam, Pháp và Mỹ đã mất quá nhiều năm tháng, quá nhiều sinh mệnh.
 
Hồ Chí Minh có phải là nạn nhân của những trớ trêu lịch sử không? Những thăng trầm của các bậc vĩ nhân chăng? Phải chăng Người đã nói lên những lời đúng vào một thời điểm sai? Phải chăng nền độc lập của dân tộc Người, nỗi trăn trở của Người, không quan trọng bao nhiêu so với bức tranh toàn cầu lớn hơn vào năm 1945 và do đó, phải giao lại cho người Pháp xử lý? Nhưng hồi đó, người Pháp đã không làm được và sau này người Mỹ cũng không làm được, bởi vì cả Pháp lẫn Mỹ đều không công nhận phong trào dân tộc của Việt Nam, xuất phát từ sự bất mãn tột độ của một dân tộc bị nô dịch. Cả Pháp lẫn Mỹ đều thiết tha và cổ súy chiêu bài về các nguyên tắc dân chủ dành riêng cho chúng nhưng lại không chịu chia sẻ với người khác, những người chân thành tìm kiếm quyền tự quyết. Người Mỹ chúng tôi có những anh hùng: Pa-tơ-rích Hen-ri Na-tan Han và vị tướng lĩnh cách mạng vĩ đại Gio-óc-giơ Qa-sinh-tơn. Người Việt Nam cũng có anh hùng, đó là Hồ Chí Minh và những người ủng hộ Người.
 
Đối với Hồ Chí Minh, Người đã không nhìn thấy giấc mơ của mình trở thành sự thật, nhưng Người đã để lại trong trái tim dân tộc Người tinh thần bất khuất của Người.
 
(Mun-Lơ Hê-Len(3), đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 18 tháng 4 năm 1990)
 
Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa
 
Chú thích:
1. Cảm tưởng của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia Hiêng Xom-rin khi đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5/1990, in trong sách Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.150.
2. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia.
3. Cố Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Ôxtrâylia.