Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kỳ 7

Đăng lúc: 16:00:00 05/08/2019 (GMT+7)

 A10.jpg

18. Chủ tịch Hồ Chí Minh – vĩ đại trong sự giản dị và giản dị trong sự vĩ đại
Ba tôi – Chủ tịch Xu-pha-nu-vông thường hay kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về Bác, về thân thế và sự nghiệp của Người và về những đức tính quý báu của Người như tính giản dị, nhân hậu, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng yêu thương, quan tâm săn sóc của Bác đối với mọi người. Ba tôi nói: “Tuy ba xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc lớn nhất thuộc giai cấp phong kiến trước kia ở Lào, nhưng nhờ có Đảng, có cách mạng và đặc biệt là có sự tận tình giúp đỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ba mới thực sự trở thành một con người có ích cho nhân dân, cho cách mạng”. Có lần, ba tôi được vinh dự làm việc với Bác Hồ, trời bỗng trở lạnh, không ngần ngại, Bác Hồ liền cởi ngay tấm khăn quàng cổ mà Bác ưa dùng khoác lên vai ba tôi và nói Người tặng luôn ba tôi làm kỷ niệm… Cảm động trước sự săn sóc của Người, ba tôi đã giữ chiếc khăn đó mãi bên mình và coi như một vật kỷ niệm quý báu nhất. Sau này, ba tôi tặng lại cho Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Là con gái của một nhà cách mạng Lào nên tôi vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vài lần cùng với gia đình chúng tôi. Những cuộc gặp gỡ đó đã để lại những ấn tượng không bao giờ quên trong đời tôi. Tôi còn nhớ hồi nhỏ khi đang theo học trường tiểu học cùng với các bạn Việt Nam tôi vinh dự được cùng với một số học sinh được chọn đi tặng hoa Bác Hồ, khi Bác đến thăm trường chúng tôi và khuyên tôi nên cố gắng học giỏi, ngoan để mai sau trở về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Lào cho thật tốt, thật xứng đáng là con của ba tôi… Tôi hết sức cảm động về những lời khuyên chân thành của Bác đối với tôi.

Khoảng giữa năm 1962, gia đình tôi được vinh dự đến thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Trông Bác vẫn như xưa, vẫn khuôn mặt hồng hào, vầng trán cao, cặp mắt to trong sáng, giọng nói ấm áp. Người thân mật hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, mời chúng tôi ăn bánh kẹo, uống nước chè thơm với Người. Sau đó, Bác Hồ bảo tôi hát cho Bác Hồ nghe, rồi Bác khen hay, tặng tôi một bông hồng rất đẹp, rất thơm, Bác nói vui: Con gái ông “Hoàng đỏ” có khác (vì ba tôi theo cách mạng mà) vừa đẹp người, học giỏi lại hát hay, thật hơn hẳn con gái ông “Hoàng xanh”… Cả nhà chúng tôi đều cười vui vì câu nói vui, tế nhị, đầy tình cảm cách mạng của Bác. Riêng tôi, tuy hơi xấu hổ vì Bác quá khen nhưng lòng cảm thấy ấm áp vì tình cảm chân thành của Bác và nghĩ mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tấm lòng của Bác đối với gia đình chúng tôi.

Đầu năm 1967, được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm gia đình chúng tôi tại nhà nghỉ ở Hà Nội, má tôi giục tôi ăn mặc và trang điểm cho thật đẹp, thật lộng lẫy ra đón Bác cho xứng đáng là con gái của ba má. Tôi nói là ăn mặc bình thường, giản dị thôi cũng được, miễn sao sạch sẽ, gọn gàng, vì dù sao Bác Hồ cũng ưa giản dị. Như để chứng minh cho lời nói của tôi, vừa trông thấy tôi ra đón, Bác Hồ thốt lên: “Cháu Kiều Nga đấy à, (Kiều Nga là tên mà ba má đặt cho tôi khi tôi theo học ở Việt Nam), trông cháu đẹp, gọn gàng như một nữ du kích Hoàng Ngân hay nữ du kích miền Nam Việt Nam ấy!” (Hồi đó còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên chúng tôi ăn mặc quần áo sẫm màu, một phần để tránh máy bay Mỹ bắn phá, một phần để dễ hoạt động, đi lại, nên khi ra đón Bác, tôi vận bộ đồ bà ba: Quần đen, áo xanh sẫm, cổ quấn chiếc khăn rằn màu xanh). Tuy hơi bất ngờ vì câu nói vui của Bác, nhưng tôi cảm thấy lòng ấm áp vì nghĩ mình nói đúng. Ba tôi vui vẻ mỉm cười. Còn má tôi im lặng, không nói gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy đó! Người giản dị trong sự vĩ đại và vĩ đại trong sự giản dị!

Mỗi lần được gặp Bác, được ở bên Người, tôi cảm thấy như mình được nâng lên, được là một con người với đúng ý nghĩa của nó. Bên Bác, tôi cảm thấy thanh thản, cảm thấy tự tin hơn và muốn vươn lên để đạt tới một điều gì đó cao quý hơn, tốt đẹp hơn.

Lần cuối cùng gia đình chúng tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào khoảng đầu năm 1969. Bác đến tận nhà riêng thăm chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chạy ra đón Bác. Ba tôi ôm hôn Bác, còn chúng tôi nắm tay Bác, lòng xúc động lạ thường. Trông Bác dạo đó gầy hẳn đi. Nghe Bác nói không được khỏe, chúng tôi thương Bác quá… Thế rồi sau lần chia tay với Bác hôm đó, gia đình chúng tôi trở về vùng giải phóng Viêng Xay một thời gian thì được tin Bác Hồ mất. Ba, má và tất cả anh em trong gia đình chúng tôi đều khóc thương tiếc Bác như đã từng khóc thương anh trai cả Arin-ha Tham-ma-xin Xu-pha-nu-vông thân yêu của chúng tôi bị bọn phản động tay sai của đế quốc Mỹ sát hại cách đó hai năm. Cả gia đình tôi đã cùng với các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vùng giải phóng nghẹn ngào để tang Bác bằng những mảnh vải đỏ – đen gắn trên ngực, trên vai áo của mình. Chúng tôi cùng chia sẻ nỗi đau buồn to lớn đó với nhân dân Việt Nam anh em. Mỗi khi nhắc tới đất nước Việt Nam tươi đẹp, tới nhân dân Việt Nam anh hùng là ai ai cũng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những chỉ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến sỹ kiên cường, anh minh, sáng suốt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là người đã sáng lập ra Đảng cộng sản Đông Dương đã từng đánh thắng ba tên đế quốc là Nhật, Pháp, Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc – là tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và là Người đã dày công vun đắp cho tình hữu nghị  đoàn kết đặc biệt Lào – Việt tươi thắm mãi…

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua,

Việt – Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Bác Hồ đã đi xa nhưng những vần thơ đẹp của Bác ca ngợi tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam vẫn đằm thắm và đầy ý nghĩa như thế. Bác như nhắn nhủ lại cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, trí thức và nhân dân hai nước chúng ta làm theo lời Bác, vì đó là yếu tố đã, đang và sẽ giúp ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào của chúng tôi cũng thường khuyên chúng tôi hãy làm theo lời Bác, hãy hết sức giữ tình đoàn kết Lào – Việt như giữ gìn “con ngươi của mắt mình” và trong mọi hành động, hãy lấy nhân dân làm gốc, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân… Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy đó! Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn Người và quyết tâm sống, làm việc học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại!

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tôi xin có mấy vần thơ kính dâng Bác và cùng bài viết này xin tặng Ban Biên tập báo Nhân Dân và các bạn Việt Nam thân mến của tôi:

Bác Hồ tuy đã đi xa,

Nhưng hình ảnh Bác chan hòa trong tim.

Giúp ta vững bước tiến lên,

Giúp ta chiến thắng xây nền tương lai.

Việt – Lào hạnh phúc ngày mai,

Muôn đời ơn Bác, nhớ hoài Bác ơi!

Viêng Chăn, 08 tháng 5 năm 1990.

(Nhọt Kẹo-ma-ni Xu-pha-nu-vông1, trích bài đăng trên Báo Nhân Dân 
số ra ngày 14/5/1990)

19. Trái tim của một chiến sỹ

Trái tim của người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, trái tim của một nhà cách mạng, một chiến sỹ đã ngừng đập. Đồng chí Hồ Chí Minh đã mất. Tôi muốn nhắc lại lịch sử trái tim đó.

Trái tim của Người…, Người đã cống hiến nó cho mọi người, cho dân tộc, cho cuộc đấu tranh giành tự do và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tôi còn nhớ, lúc ở Hà Nội, trong Viện Bảo tàng cách mạng, một cô gái vừa chỉ bức ảnh “đồng chí Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 ở thành phố Tua” vừa nói: “Người là người Việt Nam đầu tiên hiểu được, nắm vững và đã lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm ngọn cờ của cuộc đời mình”. Lúc đó ở Pháp, một đảng viên cộng sản trẻ từ đất nước Việt Nam xa xôi, đang chảy máu dưới ách thực dân, đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình và hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ.

Năm 1924, người cộng sản trẻ tuổi đó đã đến Mạc Tư Khoa (Mát-xcơ- va) hy vọng gặp Lênin và đau đớn được tin Lênin không còn nữa. Và lúc đó trên báo Tiếng còi xuất hiện bài: “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, phía dưới ký một cái tên chưa ai biết: Nguyễn Ái Quốc. Đó là biệt hiệu của đồng chí Hồ Chí Minh, trong đó nói lên lòng tin vào thắng lợi của những lời di chúc của vị lãnh tụ của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và là lời thề trung thành với chủ nghĩa Lênin.

Lịch sử trái tim của Người là lịch sử đấu tranh của một dân tộc. Người là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân đã đứng lên đấu tranh cho tự do và đã chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám.

Tôi nhớ đến những cuộc gặp gỡ với các chiến sỹ cách mạng lão thành của Việt Nam. Họ kể lại rằng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai có súng dùng súng, Ai có gươm dùng gươm…” xông lên chiến đấu cho tự do đã đem lại cho mọi người biết bao nghị lực và lòng tin. Trái tim của Người, Người đã hiến dâng nó cho cuộc đấu tranh của nhân dân…

Tôi rất hân hạnh được gặp đồng chí Hồ Chí Minh và nói chuyện với Người. Lúc đó ở Hà Nội chỉ hai giờ sau khi tôi đến đây. Khi tôi nhìn Người, một con người tuyệt vời, tôi hiểu ra được rằng tại sao người ta nói đến đồng chí Hồ Chí Minh không những với lòng tôn kính mà còn cả với lòng trìu mến đặc biệt.

Có lẽ bạn sẽ không biết Người giữa muôn người khác và sẽ không phân biệt được Người về dáng dấp bên ngoài, vì Người cũng như mọi người khác. Nhưng không thể không biết Người, bởi vì Người không phải như mọi người. Người là Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ những phút gặp gỡ đầu tiên, dáng đi nhẹ nhàng và những cử chỉ khỏe mạnh đã làm tôi ngạc nhiên. Người còn có đôi mắt lạ thường – đôi mắt trẻ trung, sáng ngời, hóm hỉnh, Người hỏi tôi như người cha: “Cháu đến lâu chưa?” – Thưa Bác, cách đây hai giờ”… Người nói một cách nhiệt tình, theo kiểu nói thanh niên và đồng thời rất nghiêm chỉnh.

Lúc đó, tôi cùng với Người đi xem triển lãm nhân dân Liên Xô đoàn kết với cuộc đấu tranh của Việt Nam, xem phim về miền Nam Việt Nam rất lâu và tôi bày tỏ mong muốn được đi thăm miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “… Hãy đi vào các tuyến lửa của chúng tôi. Xem nhân dân chúng tôi đang sống và chiến đấu ra sao. Hãy viết về tinh thần dũng cảm của họ, hãy viết về thanh niên anh hùng của chúng tôi, hãy kể với mọi người về sự phá hoại của Mỹ”.

Tôi đã đi nhiều ở Việt Nam, tôi đã gặp rất nhiều người và ở mọi nơi, trên mâm pháo cũng như trong công sự của các chiến sỹ tự vệ, trên đồng ruộng cũng như trong xưởng máy, đâu đâu tôi cũng nghe thấy những tiếng nói thân yêu, trìu mến: “Chúng tôi là con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những người nghèo khổ đến với Người với cả một niềm vui sướng. Người rất quan tâm đến cuộc sống của mọi người và khiêm tốn cho đến ngày cuối cùng như dân tộc của Người đã sống.

Việt Nam đang đeo băng tang. Trái tim của đồng chí Hồ Chí Minh đã ngừng đập, trái tim của một người đã ngừng đập nhưng trái tim của lịch sử không ngừng đập. Một con người đã từ giã cõi đời, nhưng nếu người đó cống hiến cả cuộc sống của mình, cả tài năng cách mạng của mình cho cuộc đấu tranh để giành thắng lợi của chủ nghĩa Mác  – Lênin, giành tự do cho dân tộc mình và nếu người đó cùng máu mủ với nhân dân thì người đó là bất tử. Một trái tim đã ngừng đập – Không! Hãy lắng nghe và bạn sẽ thấy tiếng đập của nó trong hàng ngàn, hàng triệu trái tim của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hồ Chí Minh là người bạn lớn của nước Xô Viết, của nhân dân Liên Xô. Tình hữu nghị đó của Người sẽ là lời kêu gọi củng cố hơn nữa các quan hệ của chúng ta, củng cố tình đoàn kết của các dân tộc Việt – Xô.

(IRin-na Lép-tren-cô2, trích trong Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.III, tr.20-33)

20. Bác Hồ – một pho lịch sử đấu tranh

Bác sĩ Hồ Chí Minh(3) – được mọi người thân mật gọi là Bác Hồ – là một nhân vật thần kỳ đối với miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam. Không có vị lãnh tụ của một dân tộc nhỏ nào đã từng ghi lại một dấu ấn sâu sắc đến thế trong lịch sử của thời đại mình, như Bác Hồ. Có nhiều lãnh tụ đã lãnh đạo nhân dân họ giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị thực dân và đã làm một cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ. Nhưng chưa một ai phải đối phó với những khó khăn ghê gớm như Bác Hồ, trong một cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài như vậy, chống lại cả một loạt kẻ thù.

Hồ Chí Minh thuộc thế hệ của Găng-đi và Nê-ru, thế hệ Châu Á đã từng thách thức và đánh bại chủ nghĩa đế quốc Châu Âu vốn có 200 năm lịch sử. Người đối với nhân dân Việt Nam chẳng khác nào Giăng-đi và Nê-ru đối với nhân dân Ấn Độ. Nê-ru đã nhận xét về người như sau: “Người không phải chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, người là một con người của quần chúng – một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất; xếp theo bất cứ tiêu chuẩn nào, người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta…”.

1. Năm 1914, Người ở Luân Đôn, làm đầu bếp trong một khách sạn, ở đây Người đã tham gia một tổ chức chống thực dân, do người Trung Quốc lãnh đạo, mang tên “Lao động hải ngoại”.

2. Năm 1924, bác sĩ Hồ Chí Minh sang Mátxcơva với tư cách là một đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản và năm sau người lại đại diện cho Đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội quốc tế nông dân, cũng họp ở Mátxcơva. Người ở lại nước Nga xô viết từ năm 1924 đến năm 1925 để học tập nghệ thuật lãnh đạo cách mạng…

Cuối năm 1925, Bác Hồ về Trung Quốc, làm việc trong Lãnh sự quán Liên Xô với tư cách là phiên dịch và trợ lý cho cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc Dân đảng… Sau khi Tưởng Giới Thạch cắt đứt quan hệ với những người cộng sản năm 1927, khiến cho những người cộng sản phải đi vào hoạt động bí mật, Người lại sang Mátxcơva. Thời gian này, Người đã trở thành một trong những nhân vật chủ chốt của Quốc tế Cộng sản. Là người lãnh đạo Cục Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Cụ Hồ chịu trách nhiệm về các vấn đề của phong trào cộng sản trong một khu vực bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và Nhật Bản.

Trong phần lớn thời gian của những năm 1930, bác sĩ Hồ Chí Minh là một nhân vật hoạt động ở hậu trường. Người đã giúp vào việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Singapore và đã từng bí mật đi qua nhiều nơi ở Đông Nam Á, khi thì hóa trang là một nhà sư, khi thì đóng vai là một người hành khất, hoặc có khi lại là một nhà buôn lớn…

Ngày 19/8/1945, các lực lượng Việt Minh của Cụ Hồ Chí Minh tiến quân thắng lợi vào Hà Nội, đánh đuổi phát xít Nhật, và 02/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập. Tháng 01 năm 1946, Tổng Tuyển cử toàn quốc được tiến hành và Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch, trong số 300 Quốc Hội mới có 230 đại biểu thuộc mặt trận Việt Minh.

Trong khi đó, ngày 06/3/1946, nước Pháp tuy không muốn hoàn toàn từ bỏ Việt Nam, nhưng đã buộc phải công nhận xứ bảo hộ cũ của nó là một quốc gia tự do trong khối “Liên hiệp Pháp”. Cụ Hồ tuyên bố kháng chiến toàn quốc và kêu gọi đồng bào của Cụ đánh đuổi thực dân Pháp, cứu lấy Tổ quốc. Ngày 21/7/1954, sau chín năm kháng chiến, Pháp đã bị đánh bại. Một Hiệp định ngừng chiến đã được ký kết ở Genève, nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền. Ngoài những điểm khác, Hiệp định có điều khoản quy định rằng sau hai năm sẽ tuyển cử để giải quyết tương lai của đất nước bị chia cắt này.

Sau khi hòa bình được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam bắt đầu khôi phục một cách thuận lợi nền kinh tế của mình. Cải cách ruộng đất thành công về cơ bản. Chính phủ của Cụ Hồ đã không ngừng thực hiện chính sách củng cố hòa bình, thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ và đấu tranh để thống nhất Tổ quốc. Năm 1960, Cụ Hồ lại được bầu làm Chủ tịch nước.

Trong khi đó, năm 1959, ở miền Nam Việt Nam lực lượng du kích xuất hiện. Cụ Hồ Chí Minh đã chứng minh sự có mặt của các lực lượng đó là do chính quyền Nam Việt Nam từ chối tuyển cử như đã ghi trong Hiệp định Giơnevơ. Mỹ là kẻ xâm lược, Mỹ đã viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Cụ Hồ cho rằng chính quyền Sài Gòn do đế quốc Mỹ dựng lên, và do hành động can thiệp của mình, Mỹ đã vi phạm hiệp định Giơnevơ, ngăn cản sự thống nhất đất nước Việt Nam.

“Việt cộng” ngày càng mạnh và hiện nay đối lập với ngụy quyền, họ đã thành lập chính quyền song song trên những bộ phận rộng lớn của đất nước mặc dù Mỹ đã ném hơn nửa triệu quân vào miền Nam Việt Nam. Trong suốt ba năm kể từ năm 1965, dù đã ném bom liên tục và nặng nề xuống miền Bắc Việt Nam, Mỹ vẫn thất bại, không làm cho tình hình có thay đổi gì đáng kể. Mỹ đã buộc phải thừa nhận không thể trông chờ vào bất cứ thắng lợi quân sự nào và con đường duy nhất của nó là rút khỏi Việt Nam. Thực tế, chính trong cuộc chiến tranh nhằm đánh đuổi bọn can thiệp Mỹ, người Việt Nam đã thể hiện rõ bản chất dân tộc thực sự của họ. Chính là nhờ có Bác Hồ hơn là nhờ ở bất cứ ai khác, mới có một phong trào phản đối sâu rộng như vậy ở Mỹ hiện nay, chống lại sự can thiệp vũ trang của Mỹ vào các nước khác.

Có một lần Bác Hồ nói với một nhà báo Mỹ: “Người già thích giữ lại cho mình một vài điều bí ẩn nhỏ”. Có lẽ vì thế nên người ta biết rất ít về đời tư của Người.

Bác Hồ quen sống một cách khiêm tốn ở căn nhà của Người trong khu vườn lâu đài của viên quan toàn quyền Pháp cũ, giản dị với đôi dép và bộ quần áo theo kiểu lão nông. Người là một nhà thơ, một họa sĩ điêu luyện, một người viết chữ nho đẹp. Cụ Hồ cũng thích đá bóng. Ngoài các ngôn ngữ thông dụng ở Việt Nam và Trung Quốc, người nói được tiếng Pháp, Anh, Đức, Nga, Tiệp, Nhật và một ít tiếng Bồ Đào Nha. Một nhà báo Anh đã có nhận xét trong cuốn sách của mình rằng Cụ Hồ Chí Minh có được cái chất hiếm thấy trong các lãnh tụ Cộng sản: Người có tài vui nhộn, cởi mở, giàu tưởng tượng… Tóm lại Người là Bác Hồ của tất cả mọi người – đúng như Người đã tự nhận.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoàn toàn chưa phải đã kết thúc và Bác Hồ không còn sống để nhìn thấy ngày thắng lợi cuối cùng. Nhưng một khi hòa bình và thống nhất trở lại với đất nước và tên lính ngoại xâm cuối cùng rời khỏi mảnh đất Việt Nam, thì chính Cụ hơn bất cứ ai khác, sẽ là Người mà nhân dân Việt Nam, đời đời mang ơn.

(N.K.Xinh, trích bài đăng trên Báo Người yêu nước, số ra ngày 14/9/1969)

Theo Ban QL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Khánh Linh (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Con gái của Cố Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xu-pha-nu-vông
2. Nữ văn sĩ Liên Xô
3. Năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trường đại học Pátgiagiaran (Inđônêxia) trao tặng bằng bác sĩ danh dự nhân dịp Người sang thăm Inđônêxia.